5 kỹ năng công dân toàn cầu của thế kỷ 21 để có được công việc tốt, thu nhập cao

Các nhà khoa học thế giới cho rằng, để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%. Theo nhận định từ Ngân hàng thế giới, thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng – Skills Based Economy. Dưới đây sẽ là 5 năm kỹ năng công dân toàn cầu quan trọng nhất cho công việc trong thế kỷ thứ 21 theo The economist intelligence unit limited đưa ra năm 2015.

Kỹ năng giải quyết vấn đề

5 ky nang cong dan toan cau cua the ky 21 2

Là kỹ năng quan trọng nhất cho công việc trong thế kỷ thứ 21, giải quyết vấn đề được 50% các nhà tuyển dụng lựa chọn là yếu tố quyết định để lựa chọn ứng viên (Theo nghiên cứu từ The economist intelligence unit limited năm 2015).

Trong cuốn Problem solving của mình, hai tác giả nổi tiếng Krulik và Rudnick đã từng chia sẻ: “Giải quyết vấn đề là một kỹ năng sinh viên phải có khi họ bắt đầu cuộc sống sau khi tốt nghiệp, nó là một trong số các kỹ năng nhằm mục đích phát triển trong giai đoạn giáo dục cơ bản của con người”.

Ứng dụng mọi lúc mọi nơi

Giải quyết vấn đề là một kỹ năng công dân toàn cầu có thể sử dụng tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta. Nó hiện diện khi bạn gặp tắc đường khi đi học và lựa chọn một trong những con đường khác để có thể đến trường đúng giờ, khi bạn tìm cách đi tới một địa điểm nào đó mà bạn không biết đường hay đơn giản là khi bạn vào một quán ăn nhưng lại quên không mang ví.

 

Trong một cuộc sống với tốc độ cao như hiện nay, chúng ta thường xuyên gặp phải những vấn đề bất ngờ xảy ra và đòi hỏi cần đưa ra quyết định nhanh chóng. Chính vì thế, kỹ năng giải quyết vấn đề lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết cho tất cả mọi người, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường.

Kỹ năng giải quyết vấn đề của sinh viên Việt Nam

Sinh viên Việt Nam hiện nay ra trường hầu hết được đánh giá có kỹ năng giải quyết vấn đề chưa tốt. Hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn tuyển sinh viên mới ra trường vì lý do này. Sẽ không một nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên khi vào làm việc gặp bất kỳ chuyện gì cũng hỏi người khác, xin ý kiến cấp trên mà không tự tìm phương án được.

Quá trình giải quyết vấn đề là một quá trình phức tạp đòi hỏi cần sử dụng đồng thời nhiều kỹ năng và kiến thức kết hợp. Các yếu tố của quá trình này là hiểu vấn đề, chọn thông tin cần thiết trong số các lựa chọn đã cho, chuyển đổi thông tin thu được thành các công thức toán học và tiếp cận giải pháp sau khi thực hiện các thao tác cần thiết.

Kiến thức toán học trong việc giải quyết vấn đề

Kiến thức toán học thường xuyên được sử dụng trong việc giải quyết vấn đề, theo hội đồng giáo viên toán quốc gia tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019, Kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng được đánh giá là quan trọng trong đó kiến thức toán học được ứng dụng ở mức cao nhất.

Kỹ năng làm việc nhóm sẽ phục vụ bạn tốt trong sự nghiệp tương lai của bạn, nhưng nó cũng cực kỳ có lợi trong thời gian bạn ở trường. Bất kể bạn muốn làm nghề nghiệp gì trong tương lai, các kỹ năng làm việc nhóm cũng sẽ là cần thiết để bạn có thể làm việc, học hỏi và đi xa hơn. Làm việc nhóm giúp hiệu quả công việc cao hơn khi mỗi người trong nhóm phát huy được thế mạnh của mình.

Khi thực hiện một công việc, bạn có thể sẽ cần làm việc với những người làm trong các ngành rất khác so với chuyên môn của mình. Tuy nhiên, khi bạn có kỹ năng làm việc nhóm, bạn vẫn có thể làm việc cùng nhau và tạo nên những sản phẩm chất lượng.

5 ky nang cong dan toan cau cua the ky 21

Ví dụ về kỹ năng làm việc nhóm

Một ví dụ đơn giản, khi bạn cần thực hiện một website bán hàng và bạn là chủ cửa hàng đó, chuyên môn của bạn là kinh doanh. Bạn cần làm việc với một người thiết kế để có một giao diện website đẹp mắt, một người phát triển web để các tính năng hoạt động được trôi chảy, bạn không biết gì về những lĩnh vực này. Lúc này, kỹ năng làm việc nhóm là yếu tố quyết định giúp bạn có thể làm việc được với họ một cách hiệu quả.

Mức độ ảnh hưởng của kỹ năng tới công việc

Theo khảo sát PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thực hiện ở 3 lĩnh vực đọc hiểu, toán học và khoa học), kết quả học sinh phổ thông Việt Nam nằm trong Top 10 thế giới về trình độ khoa học và hai lĩnh vực còn lại có kết quả không thua kém gì các quốc gia phát triển khác.

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng nguồn lực lao động tại Việt Nam về khả năng làm việc và lao động trong môi trường tập thể theo tiêu chuẩn lao động toàn cầu, chúng ta lại được đánh giá ở vị trí rất thấp. Đơn cử tại báo cáo nhân lực toàn cầu năm 2017 do Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện, chỉ số Know – How vốn được đánh giá chủ yếu qua khả năng làm việc nhóm, mục tiêu tập thể của Việt Nam lại có thứ hạng rất thấp (120/130 nước). Thậm chí, chỉ số này còn thấp hơn so với các nước kém phát triển hơn chúng ta như Lào, Campuchia… Qua đây, ta thấy được kỹ năng công dân toàn cầu có tầm quan trọng nhất định.

Sự cần thiết của làm việc nhóm với giới trẻ Việt Nam

Có thể nói, kỹ năng làm việc nhóm của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang còn ở mức thấp. Đây là một trong những lý do khiến chúng ta không có được nguồn nhân lực chất lượng, mặc dù những kiến thức khoa học, đọc hiểu được giáo dục rất tốt. Học sinh, sinh viên Việt Nam hiểu biết rất nhiều nhưng không thể ứng dụng vào thực tiễn.

Nguyên nhân của việc này, phần lớn là do các trường đại học ở Việt Nam còn đang chú trọng vào lý thuyết mà quên đi các hoạt động thực tế, giáo dục kỹ năng và trải nghiệm cho sinh viên.

Hiện nay, một số ít trường tại Việt Nam đã chú trọng hơn tới chương trình học kỹ năng công dân toàn cầu cho sinh viên. Tại Swinburne Việt Nam – Một chương trình đại học của Australia tại Việt Nam, sinh viên được chú trọng giáo dục để trở thành công dân toàn cầu. Để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, sinh viên luôn có các giờ học, sinh hoạt cộng đồng nhằm mục đích cho sinh viên rèn khả năng giao tiếp và làm việc với đồng đội.

Kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp, ứng xử là một kỹ năng sống quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người từ học sinh – sinh viên, người đi làm, chủ doanh nghiệp, bà nội trợ, đến ông bà, cha mẹ, mọi đối tượng cần có kỹ năng giao tiếp khéo, ứng xử hiệu quả trong các tình huống của cuộc sống, và xã hội. Khi giao tiếp với khách hàng cần ăn nói khéo, và thuyết phục, khi nói chuyện với người lớn tuổi cần ăn nói lễ phép, lịch sự, khi giao tiếp xây dựng mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp cần sự trung thực, thẳng thắn…Vì vậy tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp chính là chìa khóa thành công và hạnh phúc. Đặc biệt, đây là một kỹ năng cần thiết được đòi hỏi ở các Công dân toàn cầu.

Giao tiếp quan trọng như thế nào khi tìm việc

Theo nghiên cứu từ The economist intelligence unit limited năm 2015, có tới 32% các nhà tuyển dụng được hỏi cho rằng kỹ năng giao tiếp là yếu tố được họ đánh giá cao khi lựa chọn tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại doanh nghiệp của mình.

Giao tiếp là công cụ để đưa kiến thức, kỹ năng khác của bạn tới gần hơn với người khác. Khả năng giao tiếp tốt có thể giúp bạn làm việc với bất kỳ ai, đến từ bất kỳ quốc gia nào, bạn có thể hiểu được ý tưởng của họ, học hỏi thêm những điều hay ho từ họ và ngược lại cũng có khả năng thể hiện bản thân mình, biến những hiểu biết của mình trở thành vũ khí trong công việc.

 

Kỹ năng tư duy phản biện

Tư duy phản biện (Critical thinking) là khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin bạn tin vào hay những gì bạn đang làm. Nó bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking).

Trong công việc hay học tập, khi một vấn đề gì được nêu ra đều nhận được sự ủng hộ cao thì hoặc là tất cả đều tiến về phía trước, hoặc là tấy cả cùng lùi về phía sau. Trái lại, nếu xảy ra tranh cãi, điều này không có nghĩa là chúng ta đang mất đoàn kết nội bộ mà là cơ hội để tất cả mọi người cùng tham khảo nhiều khía cạnh, phương diện khác nhau, để có cái nhìn toàn diện cho mọi vấn đề và tìm ra cách tốt nhất.

5 ky nang cong dan toan cau cua the ky 21 1

Kỹ năng phản biện và những câu chuyện thành công

Trong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” có nói tới một trong những bí quyết thành công của người Israel đó là văn hóa phản biện. Văn hóa phản biện được nuôi dưỡng trong một công ty tới mức mà bất cứ ai cho dù là nhân viên cấp thấp nhất cũng có thể đứng lên tranh luận với một vị tổng giám đốc, không có phân biệt thứ bậc khi tranh luận.

Tương tự trong trường học, các em sinh viên được quyền tư duy, được quyền phản biện và được quyền hỏi và tranh luận với giảng viên. What – When – How là những câu hỏi các em cần đặt ra liên tục khi gặp bất kỳ vấn đề gì, đây là cách để kích hoạt tư duy phản biện và phát triển kỹ năng này.

Thực trạng kỹ năng phản biện của giới trẻ Việt Nam

Theo nghiên cứu từ học viện quản lý giáo dục quốc gia Việt Nam năm 2019 về thực trạng tư duy phản biện của sinh viên Việt Nam, các bạn sinh viên của chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức biết sự có mặt của kỹ năng tư duy phản biện nhưng việc chủ động rèn luyện trong thực tiễn còn thấp. Chính vì thế, sự vận dụng chính xác và thuần thục các thao tác đó rất thấp, thậm chí rất nhiều bạn ngại ngùng khi đưa ra ý kiến phản biện của mình.

Khi tiến hành phỏng vấn 10 bạn sinh viên thuộc nhóm khách thể nghiên cứu, chúng tôi thu nhận được các ý kiến chủ yếu nói rằng, “mình chỉ nghe qua về tư duy phản biện, thấy nhắc đến khá nhiều các khóa học rèn luyện tư duy phản biện nhưng mình chưa bao giờ tìm hiểu sâu về nó”, hay “trên lớp nhiều khi muốn hỏi hay trao đổi thật kỹ về một vấn đề nào đó nhưng không đủ thời gian”; thậm chí, rất nhiều bạn sinh viên nói rằng, “sợ bị đánh giá, bị ghét, sợ sai”, “giảng viên luôn đúng” nên “ít hoặc không đặt câu hỏi, thường chấp nhận và tin những kiến thức đó là đúng”.

Kỹ năng tư duy sáng tạo

5 ky nang cong dan toan cau cua the ky 21 3

Bộ lao động hoa kỳ năm 2018 đã đưa ra 13 kỹ năng thiết yếu cho người lao động tại quốc gia của mình trong thế kỷ thứ 21. Theo đó, kỹ năng tư duy sáng tạo là một trong những kỹ năng được đánh giá hàng đầu. Trong cuộc sống nói chung và công việc nói riêng, nếu thiếu tư duy sáng tạo thì con người có thể sẽ gặp khó khăn khi giải quyết những vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá, mới lạ.

Tầm quan trọng của sáng tạo trong hiện tại

Trong xã hội thông tin trước đây, thông tin là sức mạnh, ai nắm thông tin người đó có khả năng chiến thắng. Nhưng xã hội hiện đại là một xã hội “phẳng” về thông tin và mọi mặt, trong xã hội phẳng đó, con người cần tạo được sự khác biệt để không bị loại bỏ khỏi vòng quay xã hội. Những công dân toàn cầu hiện nay, họ không chỉ cần bước theo vòng quay của xã hội mà cần phải đi trước một bước để mở lối, kéo xã hội đi theo.

Chúng ta cần sáng tạo ra cái mới chứ không chỉ dừng lại ở việc làm theo những gì người khác đã làm. Đó là lý do, tư duy sáng tạo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một con người và được các nhà tuyển dụng săn lùng ráo riết khi muốn tuyển các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp của mình.

Cách để sử dụng kỹ năng sáng tạo một cách thông minh

Xã hội của chúng ta đang ngày càng phát triển, máy móc, công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế cho sức lao động của con người với các công việc có tính logic, lặp đi lặp lại. Thậm chí, máy móc thực hiện nhanh hơn, chính xác hơn con người rất nhiều.

Tuy nhiên, những kỹ năng thuộc về cảm xúc, trí tuệ như trên là điểm rất đặc trưng, mang tính con người mà hiện nay và nhiều năm nữa máy móc chưa thể học được. Chính vì thế, yêu cầu của những công dân toàn cầu hiện nay là cần phải có những kỹ năng này để làm chủ máy móc, làm chủ công nghệ, không để bản thân bị phụ thuộc và cuốn theo những sản phẩm mà chính con người tạo ra. Và điều cần thiết nhất là càng phải trau dồi các kỹ năng công dân toàn cầu để ngày càng hoàn thiện mình hơn. Chúc các bạn thành công!

 

Theo Swinburne Việt Nam

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button