Các giảng viên, diễn giả, doanh nghiệp tham gia định hướng khởi nghiệp cho học sinh THPT tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Chiều nay (20/4), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Tĩnh phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) đã tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” bằng hình thức trực tiếp tại Trường THPT Phan Đình Phùng và trực tuyến trên nền tảng Zoom Meetings cho gần 300 giáo viên và 15.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Hồng Cường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, hội thảo là một trong những hoạt động hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở GD&ĐT Hà Tĩnh , nhằm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ; khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ; trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh THPT xây dựng, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp theo tinh thần Quyết định số 1665/2018/QĐ-TTg ngày 30/10/2027 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ GD&ĐT về việc “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Ông Nguyễn Hồng Cường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Ông Cường đánh giá, Học viện Nông nghiệp Vệt Nam là cơ sở đào tạo uy tín, đa ngành, đạt chuẩn đào tạo quốc tế, chất lượng đào tạo hàng đầu tại Việt Nam, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt trên 97% với 47 ngành đào tạo như: Thú y, Chăn nuôi, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ thông tin, Logistics, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng…
Học viện này cũng đặc biệt chú trọng trang bị kỹ năng mềm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên.
“Chúng tôi mong muốn thời gian tới học viện tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp nhận, đào tạo các em học sinh của tỉnh Hà Tĩnh có nguyện vọng, khát vọng và đam mê khởi nghiệp đến nghiên cứu, học tập”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh chăm chú tìm hiểu về định hướng khởi nghiệp của các giảng viên, đại diện doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Nga.
Tại hội thảo, nhiều câu hỏi của các em học sinh lớp 12 quan tâm đến những ngành nghề có tiềm năng về cơ hội việc làm mà học viện đang đào tạo; cơ sở vật chất, môi trường học tập hay đội ngũ giảng viên của học viện…
các giảng viên, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều kiến thức về nhu cầu nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0 ; hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam; các kinh nghiệm khởi nghiệp, góp phần nuôi dưỡng và khơi dậy những ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp, tạo cơ hội học tập và lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp bậc THPT của các em học sinh lớp 12.
PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện NNVN cho rằng, thông qua hội thảo lần này, Học viện kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động gắn kết giữa đại học, học viện với các Trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh, từ đó phát huy hơn nữa sự tham gia của nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân với hoạt động khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong học sinh.
Em Phúc, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Phan Đình Phùng đặc biệt quan tâm đến môi trường học tập ở Học viện NNVN. Ảnh: Thanh Nga.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 47 ngành đào tạo đại học, 20 ngành đào tạo thạc sĩ, 15 ngành đào tạo tiến sĩ.
Học viện đã hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp để bố trí việc làm cho sinh viên. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ sinh viên học viện có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 97%, nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp học viện đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và doanh nghiệp.
Đặc biệt, mỗi năm học viện dành gần 30 tỷ đồng để cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có kết quả học tập, kết quả rèn luyện đạt từ loại khá trở lên. Riêng năm 2024, học bổng 30 tỷ đồng được trao cho các tân sinh viên, trong đó có 3 suất học bổng du học nước ngoài tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Tây Nam, Trung Quốc.